BỆNH NHÂN MẮC BỆNH BẠCH HẦU CÓ LỊCH TRÌNH DI CHUYỂN ĐẾN QUÁN KARAOKE TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BỆNH NHÂN MẮC BỆNH BẠCH HẦU CÓ LỊCH TRÌNH DI CHUYỂN ĐẾN QUÁN KARAOKE TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, tính đến ngày 9/7 đã có ca bệnh Bạch hầu xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang. Trong đó trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận ca tử vong do bệnh bạch hầu và nhiều ca nghi ngờ mắc bệnh Bạch Hầu do tiếp xúc gần, nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng là rất cao.
Đáng lưu ý bệnh nhân M.T.B cũng có địa chỉ tại Nghệ An là người ở cùng phòng với bệnh nhân tử vong trước đó, được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân M.T.B đã đi đến nhiều nơi trong đó có lịch trình di chuyển đến quán Karaoke 1990 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.


Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, có khả năng gây thành dịch. Bệnh có biểu hiện sốt, khan tiếng, ho, đau họng, có giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống… Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Trước tình hình bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp, để khống chế dịch bệnh và đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là cần thiết, nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu gây ra.
Để chủ động đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu người dân cần nắm được kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng bệnh như sau:


Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.
Phụ huynh cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện các mũi tiêm nhắc lại theo lịch tiêm phòng vì lúc này khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm theo thời gian, việc tiêm mũi nhắc là rất cần thiết.

Theo đó, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin SII ( Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) hoặc vaccin Hexaxim, Infanrix…
Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:
• Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
• Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
• Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.


• Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *