🤰🤰MANG THAI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN – NGUY HIỂM CHO MẸ RỦI RO CHO CON
🆘Huyện Quốc Oai theo thống kê của Phòng Dân số – Truyền thông&GDSK tính đến hết tháng 11/2024 có 10 trường hợp mang thai và sinh con dưới 18 tuổi.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi VTN (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ VTN độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vị thành niên Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, lạm dụng các chất gây nghiện…
Thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, đặc biệt thiếu tiếp cận với các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là những nguyên nhân khiến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên càng trở nên trầm trọng hơn.
Mang thai và tránh thai cho lứa tuổi vị thành niên là một trong những nội dung mà trẻ vị thành niên cần hiểu biết đầy đủ để dự phòng hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần không những hiện tại mà còn lâu dài trong tương lai.
🆘Rủi ro về sức khỏe cho người mẹ tuổi vị thành niên
Thanh thiếu niên dưới 15 tuổi đặc biệt dễ bị thiếu máu, hoặc lượng sắt trong máu thấp và huyết áp cao liên quan đến thai kỳ. Thiếu máu là tình trạng nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp, có thể gây mệt mỏi cực độ và các biến chứng khác.
Khoảng 14% phụ nữ mang thai bị thiếu máu, và tình trạng này xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở thanh thiếu niên mang thai vì họ không nạp đủ lượng calo lành mạnh cần thiết trong thai kỳ và cũng liên quan đến nhu cầu sắt tăng lên trong giai đoạn dậy thì.
Tăng huyết áp thai kỳ có thể khiến trẻ sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh. Khi huyết áp cao phát triển thành một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là tiền sản giật, cả mẹ và thai nhi đều gặp nguy hiểm. Sự tăng huyết áp đột ngột sau tuần thứ 20 của thai kỳ rất khó kiểm soát và cần được bác sĩ sản khoa theo dõi rất chặt chẽ.
Khung chậu trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ nên quá trình sinh đẻ gặp nhiều khó khăn, phần lớn phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Trong quá trình mang thai, tử cung chưa phát triển đầy đủ phải chịu áp lực căng giãn trải qua gần 9 tháng mang thai, dễ dẫn đến sự co hồi kém gây đờ tử cung… Các nhóm cơ tử cung cũng chưa thực sự phát triển tốt, thành cơ tử cung mỏng dễ xảy ra biến chứng trong quá trình sinh con.
🆘Rủi ro về sức khỏe cho em bé
Vấn đề lớn nhất khi các em mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ là nguy cơ sảy thai, phá thai hoặc nếu sinh con rất dễ bị dị tật thai nhi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đứa trẻ và thậm chí là gánh nặng cho xã hội.
Việc thiếu chăm sóc trước khi sinh sớm và thường xuyên ở bà mẹ tuổi vị thành niên làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân. Em bé sinh non được sinh ra trước 37 tuần của thai kỳ; thai đủ tháng là 40 tuần. Trẻ sơ sinh nhẹ cân khi cân nặng khi sinh dưới 2,5kg.
Trẻ sinh non bỏ lỡ sự tăng trưởng và phát triển quan trọng diễn ra trong những tuần cuối cùng của thai kỳ và thường gặp các vấn đề về sức khỏe vì các cơ quan của trẻ chưa kịp phát triển đầy đủ.
Trẻ sinh non, nhẹ cân có thể gặp một số nhiễm trùng hoặc các bệnh khác trong những ngày đầu tiên của cuộc đời, trong khi những người khác có thể bị các vấn đề lâu dài hơn bao gồm khuyết tật học tập hoặc chậm phát triển vận động và xã hội. Gần 10% bà mẹ tuổi teen sinh con nhẹ cân. Các dữ liệu thống kê cho thấy, những đứa trẻ này có nguy cơ tử vong trong năm đầu đời cao hơn gấp 20 lần so với những đứa trẻ có cân nặng bình thường.
💚KHÔNG MAI THAI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN VÌ SỨC KHOẺ CHO MẸ VÀ CHO CON