THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON NĂM 2024

THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON NĂM 2024

Nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030″; ngày 30/5/2024, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-TTYT về việc triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 (từ 01/6 – 30/6/2024).
Việc triển khai Kế hoạch cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo các nghiên cứu khoa học, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV nếu không có bất kỳ can thiệp nào thì có khoảng từ 30-40 trẻ bị nhiễm HIV. Khoa học hiện nay đã chứng minh rằng, nếu bà mẹ được phát hiện sớm, điều trị tích cực trong giai đoạn mang thai và chăm sóc tốt sau sinh, khả năng này chỉ còn 1-2 trẻ bị nhiễm HIV.
Phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố có tính chất quyết định. Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV liên tục. Đồng thời, thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng vi rút trong máu để biết tải lượng vi rút có tăng cao không, hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con), 15% – 20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV), và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu…). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25-40%, nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 24, thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống còn từ 2 – 5%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *