THAY KỲ THỊ BẰNG HÀNH ĐỘNG – CHUNG TAY ĐẨY LÙI BỆNH LAO
☘️Theo thống kê của Chương trình Chống lao quốc gia, mỗi năm Việt Nam có thêm 182.000 người mới mắc bệnh lao. Tuy nhiên chỉ có 57% bệnh nhân được chẩn đoán điều trị, còn 43% người mắc bệnh chưa được phát hiện kịp thời. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đang xếp vị trí thứ 12 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời đứng thứ 10 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
– Nguyên nhân do hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao còn chưa đầy đủ. Đặc biệt, còn nhiều người dân kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân mắc lao. Bản thân người bệnh không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn phát hiện muộn đang làm lây lan bệnh cho người khác.
– Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm của cộng đồng bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm sang người lành khi tiếp xúc, tuy nhiên bệnh lao có thể phòng và điều trị được.
– Phòng bệnh lao là áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao: Giảm nguy cơ nhiễm lao bằng thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường, dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho, khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ; tiêm phòng vắc xin BCG: giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Người tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi cần được đưa đến cở y tế khám lao và điều trị lao tiềm ẩn. Việc điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển bệnh lao.
– Đối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV/AIDS, người hút thuốc lá, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, người sử dụng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài như: Corticoid, hóa chất điều trị ung thư… rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao.
– Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn. Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc đúng – đủ – đều (đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; đều đặn hàng ngày).