VỆ SINH MÔI TRƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH SAU MƯA LŨ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên đại bàn huyện Quốc Oai một số xã đã xảy ra tình trạng ngập úng. Trong và sau mưa lũ, các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da do nước, bệnh đau mắt đỏ… thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm. Nguyên nhân là do vô số vi sinh vật có hại từ đất, bụi, rác, chất thải… đã hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Vì vậy, ngay sau khi nước rút cần có xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường, tránh để ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xử lý nguồn nước
Tốt nhất là đậy nắp giếng trước khi có mưa lũ. Dù không ngăn cản được nước bẩn vào giếng thì cũng ngăn được rác và súc vật chết rơi vào giếng. Sau lũ lụt, phải thau rửa giếng nước, tát cạn nước, vét bùn cặn, sau đó dùng phèn chua làm trong nước giếng với liều lượng là 50g/m3 nước. Tiếp theo phải khử trùng nước bằng cloramin B với liều lượng 10g Cloramin B (loại 25%) / m3 nước. Đối với giếng khoan thì bơm hết nước đục và bơm thêm 15 phút nữa thì có thể dùng được.
Xử lý môi trường
– Nước rút đến đâu các gia đình phải làm vệ sinh đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa và bùn đất ra khỏi nhà.
– Khi nước rút hết, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, có mùi tanh, hôi thối do xác súc vật, côn trùng chết, cây cối thối rữa cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế chỗ có xác súc vật chết.
– Vị trí chôn xác súc vật chết tốt nhất là ở ngoài đồng, có thể chôn ở trong vườn nhưng phải cách xa nguồn nước ít nhất là 30m. Hố đào chôn xác súc vật sâu ít nhất là 0,8m. Đổ từ 2-3kg vôi bột lên trên để tẩy uế, hoặc phun cloramin B liều cao 25g/l. Hàng ngày kiểm tra nơi chôn xác súc vật chết nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải chôn lấp lại và rào chắn.
– Dọn vệ sinh nhà cửa, phơi, sấy khô quần áo.
– Nếu nhà tiêu và chuồng trại gia súc bị hỏng phải tu sửa và làm vệ sinh sạch sẽ.
Phòng một số bệnh sau mưa lũ
Các bệnh thường gặp sau mưa lũ là bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da do nước bẩn và đặc biệt là bệnh đường ruột. Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng gây bệnh tiêu chảy cấp và lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì bệnh tiêu chảy còn do vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn E.coli và một số vi khuẩn đường ruột khác liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống ) gây nên.
Để phòng một số bệnh thường thường gặp sau mưa lũ người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Phòng các bệnh đường ruột
– Thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi để nguội.
– Uống hoặc tiêm văcxin phòng tiêu chảy tại Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai.
+ Phòng bệnh đau mắt đỏ
– Không lau rửa mặt bằng nước bẩn.
– Tra thuốc nhỏ mắt bằng cloramphenicol 0,4% cho tất cả những người có nguy cơ.
– Không dùng chung khăn mặt, đặc biệt với người bị đau mắt đỏ.
– Chú ý diệt ruồi, vì ruồi là nguồn truyền bệnh đau mắt đỏ.
+ Phòng các bệnh ngoài da do nước bẩn
– Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc cát cho trong nước để tắm giặt.
– Không mặc quần áo còn ẩm ướt.
– Không cho trẻ em bơi lội trong nước lụt vì nước rất bẩn.
– Ngoài ra, chúng ta cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng một số dịch bệnh khác như sốt rét, sốt xuất huyết…