An toàn thực phẩm du xuân tại các lễ hội đầu năm

An toàn thực phẩm du xuân tại các lễ hội đầu năm

Hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, trong đó có nhiều lễ hội dài ngày, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài. Do có một lượng người rất lớn tham dự, dẫn đến nhu cầu các loại thực phẩm tăng đột biến, đi liền với đó là tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

​Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, để phục vụ kịp thời du khách, nhiều loại hình thực phẩm ăn uống: bún, cháo, mì, cơm, phở, bánh, xôi, oản, nước giải khát… được bày bán ngay trong các khu vực lễ hội, dẫn đến làm tăng nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðáng lo ngại, vì các lễ hội thường mang tính chất thời vụ, nhiều chủng loại thực phẩm được sản xuất, chế biến theo kiểu “cây nhà – lá vườn”, “đặc sản quê hương” cho nên khó bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại nhiều lễ hội, thức ăn, đồ uống vẫn được bày bán dọc các đường đi, lối lại, môi trường chung quanh thường xuyên bị nhiễm bụi, nắng, mưa sẽ dễ làm cho thức ăn đồ uống bị nhiễm bẩn, ôi thiu, ẩm mốc, biến chất… Ðây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm; các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

​Nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong dịp mùa lễ hội Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã đưa ra 10 nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cửa hàng ăn uống phục vụ lễ hội.

Địa điểm của cơ sở kinh doanh thực phẩm mùa lễ hội phải bố trí ở địa chỉ cố định; thiết kế có nơi bán hàng, nơi chế biến thức ăn, nơi rửa tay.

Nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bầy bán gia súc, gia cầm); khu vực trưng bày ngăn thức ăn cách giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.

Cơ sở kinh doanh thực phẩm có đủ số lượng nước sạch để chế biến thức ăn và vệ sinh dụng cụ, cơ sở; nguồn nước phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 năm/lần; có đủ nước đá sạch theo quy định dùng để pha chế đồ uống

Đồng thời cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ chế biến, dụng cụ chia thức ăn, đồ chứa đựng và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; không được sử dụng tay trực tiếp để bốc, chia thức ăn chín; bao gói thức ăn phải sạch, chỉ dùng các loại chuyên cho thực phẩm.

Chủ cơ sở hoặc người quản lý và người chế biến thức ăn phải khám sức khoẻ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế và định kỳ ít nhất một lần/năm. Khám sức khoẻ, xét nghiệm do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện; người đang mắc các bệnh, chứng bệnh thuộc danh mục đã được Bộ Y tế quy định không được tham gia trực tiếp chế biến thức ăn.

Bên cạnh đó, người chế biến thức ăn, bán hàng phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thức ăn chín, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu phải mặc quần áo bảo hộ, mũ chụp tóc, tháo bỏ vòng, nhẫn, đồng hồ và cắt ngắn móng tay.

Đối với nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn; thực phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn theo quy định; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm quá hạn; phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế;

Theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ hướng dẫn thức ăn chín phải được bày bán trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại khác. Không được bán thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc;

Cơ sở có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.

Phan Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *